PGS.TS. Phạm Thanh Bình - Phó Chánh văn phòng, Bộ Y tế đánh giá cao chương trình hợp tác này. Lễ ký kết đã đáp ứng nhu cầu rất “nóng” về ngành điều dưỡng ở trong nước cũng như các nước phát triển trên thế giới. Trong tương lai, ngành điều dưỡng luôn trong tình trạng thiếu vì tình trạng dân số đang già đi.
“Việt Nam là một trong 10 nước có tỷ lệ già hoá dân số rất nhanh. Đến năm 2025 nước ta sẽ có 17-18% là dân số già, đến năm 2035 có khoảng 25% dân số già, do vậy nhu cầu phục vụ người già ngày một lớn. Hiên Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, nên lực lượng lao động của chúng ta hiện nay rất dồi dào, nhưng việc nhu cầu sử dụng lao động trong nước chưa cao nên nhu cầu xuất khẩu là cấp bách, đó là nhiệm vụ của ngành LĐTB&XH. Vì vậy, Lễ ký kết này có ý nghĩa đối với ngành LĐTB&XH và Bộ Y tế”, ông Bình cho biết.
Đây là một mô hình liên kết sáng tạo và đặc biệt vì vừa kết hợp được xã hội hoá vừa là hình thức đào tạo cầm tay chỉ việc, đào tạo về ngôn ngữ và văn hoá, thời gian đào tạo ngắn nhưng mang lại hiệu quả cao. Điều đặc biệt là chương trình hợp tác này lo được cả đầu vào và đầu ra cho người lao động.
PGS.TS.Phạm Thanh Bình đề nghị: “Ngành điều dưỡng là ngành liên quan đến con người, nên khi tuyển chọn phải chọn những người có tâm. Để đảm bảo đầu ra phải có chất lượng phục vụ cộng đồng được hiệu quả”.
TS. Lê Ngọc Hà, Giám đốc ADC miền Bắc cho biết: “Chúng tôi không chỉ mong muốn góp phần giải quyết và tạo việc làm cho người lao động trong nước mà còn tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội thực tập kỹ năng, đào tạo lao động có trình độ tay nghề, kỹ thuật và kinh nghiệm, tác phong làm việc của Nhật Bản. Từ đó tạo ra cơ hội để người lao động tiếp cận với môi trường làm việc chuyên nghiệp, người lao động sẽ được nâng cao về tay nghề, kiến thức và kỹ năng để đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng nước ngoài”.
Theo đó, các bên đã ký kết hai bản thỏa thuận hợp tác liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bao gồm: Thứ nhất, thỏa thuận giữa ADC – VRTC– PCI về việc hợp tác Chương trình đào tạo ngành điều dưỡng chất lượng cao các trình độ phục vụ 100% xuất khẩu lao động đi Nhật Bản; Hợp tác trong chương trình tuyển sinh, phối hợp đào tạo, thực hành thực tập trong trương trình này.
Thứ hai, thỏa thuận giữa HTT – VRTC – PCI về việc hợp tác trong chương trình tuyển sinh, đào tạo chất lượng cao các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và bố trí việc làm cho sinh viên ngành Du lịch - Khách sạn. Hợp tác trong Chương trình đào tạo Du lịch – Khách sạn chất lượng cao các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; Hợp tác trong chương trình tuyển sinh, bố trí thực hành thực tập và việc làm cho sinh viên ngành du lịch khách sạn trong chương trình này.
Hai bản thỏa thuận này đã mở ra tương lai phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhu cầu xã hội Việt Nam và nhu cầu xuất khẩu lao động sang Nhật. Nội dung trong biên bản ghi nhớ trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2028.
Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch T.Ư Hội CTĐ Việt Nam cho biết: “Hôm nay, T.Ư Hội tổ chức lễ ký kết với 3 đơn vị tốp đầu về đào tạo nhân lực, không chỉ với những đơn vị trong nước mà còn có sự tham gia hỗ trợ đầu ra cho các hoạt động đào tạo đó là Tập đoàn Imaid (Nhật Bản) và Tập đoàn Flamingo Đại Lải Resort”.
Bên cạnh đó, ông Trần Quốc Hùng cũng đề nghị cân đối giữa thời gian học và thực hành, để tránh tình trạng thừa thầy thiếu thợ. “Chúng ta không chỉ quan tâm đầu vào mà khâu đầu ra phải tương ứng là vấn đề rất quan trọng. TƯ Hội CTĐ Việt Nam cam kết hỗ trợ tối đa, đồng hành cùng các đơn vị trong chương trình này. Sự hợp tác không chỉ tạo ra nguồn lực mà còn truyền bá các giá trị nhân đạo với các đối tác”, Phó Chủ tịch T.Ư Hội nhấn mạnh.
Nguồn: //baonhandao.vn